Ngày 14 tháng 2 năm 1827, Thánh Valentino Berrio Ochoa sinh ra trong một gia đình đạo đức nhưng nghèo tại làng Elorrico, giáo phận Vich, Tây Ban Nha. Năm 18 tuổi, Valentino vào học tại chủng viện Logrono. Sau đó, ngài xin phép bề trên được về quê phụng dưỡng song thân đã già yếu.
Năm 1851, thầy Valentino liên tiếp được thụ phong cấp bậc thấp dần cho đến khi trở thành linh mục. Sau 2 năm tận tụy với sứ vụ linh hướng tại chủng viện, cha Valentino vẫn ấp ủ khát vọng truyền giáo. Vì thế, ngài quyết định gia nhập Dòng Đa Minh. Khi từ giã quê hương, có người hỏi: "Cha đi đâu và bao giờ sẽ trở lại?". Cha trả lời: "Tôi ra đi để quê hương có thêm một vị thánh".
Năm 1854, cha Valentino khấn trọn vào Dòng Đa Minh. Tháng 6 năm 1857, ngài đến Manila, Philippines. Đến ngày 30 tháng 3 năm 1858, cha bước chân lên đất Việt, lúc đó đang diễn ra cuộc bách hại tôn giáo khốc liệt. Trong thư gửi về cho gia đình, cha Valentino - Vinh chia sẻ về cánh đồng truyền giáo: "Không có ngày nào không phải nỗ lực giữ vẻ vui, không ngày nào không có nước mắt đổ, không ngày nào không phải tìm cách cứu giúp, và cũng chẳng thiếu những ánh mắt theo dõi hay bọn lính truy đuổi".
Trước nguy cơ bị bắt và tử đạo, Đức Giám mục José María Díaz Sanjurjo - Xuyên, người phụ trách giáo phận Trung, sử dụng đặc quyền của mình để chọn cha Vinh làm Giám mục phó. Lễ tấn phong được cử hành bí mật vào rạng sáng ngày 26 tháng 6 năm 1858 tại nhà ông Chi ở Ninh Cường. Mũ giám mục được làm bằng giấy cứng phủ giấy bạc, gậy là cây nứa cuốn rơm cũng bọc giấy bạc. Chính vì thế, ngài có biệt danh là giám mục gậy tre, mũ giấy.
Ngài cũng tự nhận mình là giám mục sinh non, vì mới ở Việt Nam được gần 3 tháng và tuổi đời mới 31 nhưng đã phải chăm sóc hơn 150.000 giáo hữu giữa cơn phong ba bão táp của cuộc bách hại.
Không lâu sau, Đức cha Xuyên bị bắt tại Kiên Lao và bị xử lăng trì vào ngày 28 tháng 7 năm 1858. Đức cha Vinh phải trốn tránh, lánh nạn ở nhiều nơi trước khi ẩn náu lâu dài trong một cái hầm tại vườn nhà anh Thăng ở làng Hương La, xứ Tử Nê (Bắc Ninh). Đó chính là "tòa giám mục" của vị giám mục sống trong hầm tú.
Cùng hỗ trợ Đức cha trong công việc liên lạc và sao chép thư từ có 4 chủng sinh và ông Thư - người Cao Xá. Đáng khâm phục là ngay trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó, Đức cha Vinh vẫn chuẩn bị cho tương lai, dạy thần học cho các chủng sinh, viết thư xin gửi về Tòa Thánh xin gửi các sách thần học của thánh Tôma để nghiên cứu.
Chỉ một lần Đức cha Vinh xuất hiện tại Kẻ Mèn (nay là các xứ Trung Đồng và Đại Đồng). Cùng với cha Gregorio Eusebio Riaño - Hòa, hai ngài đã xin Đức Mẹ Vô Nhiễm làm bổn mạng cho giáo phận và thề sẽ xây một thánh đường vinh danh Mẹ. Sau này, khi cha Riaño - Hòa được bổ nhiệm làm Giám mục, ngài đã thực hiện lời thề ước đó, xây Vương Cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Phú Nhai.
Trong mọi hoàn cảnh gian truân, Đức cha luôn thể hiện thái độ lạc quan, phó thác như trong bức thư gửi mẹ vào tháng 8 năm 1860: "Ở đây con người ta sống rất mạnh mẽ, nhanh nhẹn. Thiên Chúa ủi an chúng con giữa vất vả khó nhọc. Con dù là “trai già” nhưng nhảy qua vũng bùn vẫn nhanh như sóc. Mẹ à, xưa con đã là đứa hay nhảy nhót trên đồi núi, thì giờ cái bộ mặt đầy râu này cũng sẽ khiến những quỷ dữ trong hỏa ngục run sợ...".
Vào tháng 8 năm 1861, sắc lệnh cấm đạo của vua Tự Đức như một trận hồng thủy nhấn chìm cả nước. Đức cha Vinh mô tả hoàn cảnh lúc đó: “Có thể trong vài tháng tới, giáo phận của tôi sẽ không còn thừa sai, linh mục, chủng sinh, thầy giảng và biết đâu không còn giáo dân”.
Trong bối cảnh ấy, Đức cha Vinh cùng cha Almató - Bình phải xuôi dòng về Hải Dương. Hai ngài được giáo dân giới thiệu trọ tại nhà một phó lý ngoại giáo. Nhưng cháu ông này đi tố giác khiến hai vị bị bắt vào ngày 25 tháng 10. Tại Hải Dương, họ gặp Đức cha Liêm đang bị giam trong một cũi khác (đã bị bắt từ 5 ngày trước).
Ngày 01 tháng 11 năm 1861, ba vị thừa sai cùng bị điệu ra pháp trường xử trảm. Cũi của Đức cha Vinh ở giữa, ngài cầu nguyện bình thản, gương mặt tươi tỉnh khiến mọi người kinh ngạc. Đến Năm Mẫu, sau ít phút cầu nguyện cuối cùng, lý hình truyền lệnh chém cả ba người. Thi hài các ngài được mai táng tại chỗ, sau đó cải táng về Thọ Ninh rồi Kẻ Mốt. Đến đời Đức cha Hiển, thi hài của Đức cha Vinh được đưa về Macao và cuối cùng được đem về an táng tại quê nhà.
Ngày 20 tháng 5 năm 1906, Giám mục Valentino Berrio Ochoa - Vinh được phong Chân phước và sau cùng được tôn phong hiển thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.