Thánh Anê Lê Thị Thành (1781-1841) - Các Thánh Tử Vì Đạo tại Việt Nam

Thánh Anê Lê Thị Thành (1781-1841) - Các Thánh Tử Vì Đạo tại Việt Nam
Bà Thánh Anê Lê Thị Thành, một phụ nữ Công giáo Việt Nam, đã hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin và tình yêu thương. Đức Giáo hoàng Piô X đã phong bà Anê Lê Thị Thành lên bậc Chân phước và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong bà lên bậc Hiển thánh.

Anê Lê Thị Thành (Bà Đê), một phụ nữ có chồng, sinh năm 1781 tại Bái Điền, Thanh Hóa. Bà qua đời trong tù ngày 12 tháng 7 năm 1841 tại Nam Định. Bà sinh ra trong một gia đình Công giáo và là mẹ của 6 người con. Bà bị bắt khi mang thư cho các vị thừa sai bị giam cầm. Năm 1909, bà được phong Á Thánh. Ngày lễ kính bà là ngày 12 tháng 7.

Vị thánh nữ đầu tiên của Việt Nam

Nhìn lại lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, có rất nhiều chị em phụ nữ đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin của mình. Tuy nhiên, tinh thần kiên cường bất khuất của Thánh Anê Lê Thị Thành là một tấm gương hiếm có.

Chính quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh, người nổi tiếng là “hùm xám tỉnh Nam” (Nam Định), cũng đành bất lực trong việc thuyết phục bà chối đạo. Quan đã áp dụng nhiều phương thức tra tấn dã man, từ khuyên dụ ngon ngọt đến đòn đánh, gông cùm, xiềng xích, nhưng không thể lay chuyển được đức tin kiên trung của Thánh Anê.

Những giọt máu đổ xuống vì đòn vọt đã trở thành những bông hoa hồng kết thành triều thiên tử đạo. Thiên Chúa đã ban thưởng cho Thánh Anê Lê Thị Thành, vị thánh nữ tiên khởi của Giáo hội Công giáo Việt Nam, phần thưởng tuyệt hảo là vinh quang thiên quốc.

Người mẹ là tấm gương sáng

Anê Lê Thị Thành sinh khoảng năm 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, bà đã theo mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, một giáo xứ lớn nay thuộc giáo phận Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình. Năm 17 tuổi, bà kết hôn với ông Nguyễn Văn Nhất, người cùng xã, và sống với nhau rất hạnh phúc, thuận hòa. Bà sinh hạ được hai con trai tên Đê và Trân, và bốn con gái tên Thu, Năm, Nhiên, Nụ. Theo phong tục địa phương, người ta thường gọi tên cha mẹ bằng tên người con đầu lòng, vì vậy bà được gọi là bà Đê. Bà và chồng là những người hiền lành, đạo đức, rất quan tâm đến việc giáo dục con cái.

Cô Lucia Nụ, con gái út của bà, đã cung khai trong quá trình điều tra phong thánh như sau:

"Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục chúng tôi. Chính người dạy chúng tôi học chữ và giáo lý, sau dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc dục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập hội con Đức Mẹ, vào ban thiếu nữ thưa kinh ở nhà thờ".

Cô Anna Năm, một người con khác của bà, cũng xác minh: "Song thân chúng tôi chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn thân mẫu thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những điều tốt lành. Có lần người dạy tôi : Tuân theo ý Chúa con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui long đón nhận Thánh Giá chúa gởi cho. Người cũng thong khuyên vợ chồng tôi : "Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ".

Bà Anê Đê là một người phụ nữ công giáo đạo đức, là tấm gương sáng về đạo hạnh cho tất cả mọi người, đặc biệt là các bà mẹ.

Từ lòng nhân ái và hy sinh vì người khác đến sự hy sinh tính mạng vì đức tin và lý tưởng

Ông bà Đê là những người có lòng bác ái, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhất là các linh mục trong thời cấm đạo. Ông bà dành hẳn một khu nhà để các linh mục trú ẩn. Chính vì lòng bác ái đó mà bà Đê đã bị bắt và tử đạo.

Tháng 3 năm 1841, có bốn linh mục đang ẩn náu tại làng Phúc Nhạc, trong đó có cha Lý đang trú tại nhà ông Trùm Cơ. Một người tên Đễ, vốn là người giúp việc cho cha Thành, đã mật báo cho quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh về nơi ẩn náu của các linh mục.

Vào sáng ngày lễ phục sinh, quan tổng đốc đích thân chỉ huy 500 lính bao vây làng Phúc Nhạc. Quan truyền tập trung giáo dân lại để quân lính lục soát từng nhà. Hai cha Thành và Ngân trốn thoát kịp. Cha Nhân bị bắt vì để gấu áo ra ngoài khi đang trốn trên gác bếp. Cha Lý cũng bị bắt vì quân lính đã trông thấy ông chạy qua vườn nhà bà Đê. Ông Trùm Cơ, bốn hương chức trong làng và hai nữ tu Mến Thánh Giá cũng bị bắt.

Bà Đê đã che giấu cha Lý ở một đường mương khô sau vườn, nhưng quân lính đã phát hiện ra và bắt bà cùng cha Lý. Khi bị bắt, bà Đê rất sợ hãi, nhưng khi điệu ra đình làng thì bà đã bình tĩnh và vui tươi.

Mặc áo hoa hồng

Quân lính áp giải các tín đồ Kitô giáo về Gia Định. Họ phải đi suốt đêm trong điều kiện vô cùng khó khăn. Bà Đê, một người phụ nữ già yếu, không chịu nổi gông cùm nặng nề, nhiều lần phải nhờ người đỡ đi. Khi đến thành Nam, bà bị giam chung với hai nữ tu. Sáu ngày sau, bà được dẫn ra trước tòa án. Quan tòa ra lệnh bắt bà chối đạo, nhưng bà kiên quyết đáp lại: "Tôi chỉ thờ phụng Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời.”

Các quan ra lệnh đánh đòn bà Đê. Ban đầu, lính đánh bằng roi, sau đó dùng củi lớn quật vào chân bà. Bà Đê không hề nao núng. Khi chồng bà đến thăm, bà kể lại những gì đã xảy ra và giải thích lý do vì sao bà vẫn kiên tâm: "Họ đánh đập tôi rất dã man, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp đỡ, nên tôi không cảm thấy đau đớn.”

Tại các phiên tòa thẩm vấn thứ hai, thứ ba, bà Đê vẫn một lòng kiên trung với niềm tin của mình. Quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi bà qua Thánh Giá. Bà sấp mình xuống đất, kêu lớn tiếng cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để để cưỡng bách con đạp lên Thập Giá”.

Lần tiếp theo ra trước tòa, quan cho túm tay áo bà Đê lại rồi thả rắn độc vào trong áo. Bà Đê vẫn giữ được bình tĩnh một cách lạ lùng. Bà đứng yên không hề nhúc nhích, khiến rắn không cắn mà chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam vào ngục. Nhưng bà đã kiệt sức, đi không nổi, phải có người dìu.

Một nhân chứng tên Đang, về sau cho biết: "Bà Anê Đê đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình đầy máu mủ. Tuy vậy bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa."

Quả thật, bà Đê đã thể hiện trọn vẹn mối phúc thứ tám:

"Tin yêu Chúa Tể muôn trùng ,

Tan vàng nát ngọc chữ trung một lòng".

Cô Lucia Nụ đến thăm mẹ trong ngục. Thấy mẹ mình bị đánh đập dã man, quần áo loang lổ máu, cô không kìm được nước mắt. Bà Đê an ủi con gái: "Con đừng khóc nữa, mẹ mặc áo hoa hồng đấy. Mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”

Bà còn khuyên : "Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng”

Bên cạnh những cực hình tra tấn dã man và ăn uống kham khổ, bà Đê còn phải chịu đựng thêm cơn đau của bệnh kiết lỵ. Hai nữ tu tận tình chăm sóc bà, các linh mục gửi thuốc đến thăm, ban bí tích giải tội, xức dầu cho bà và giúp bà. Trong giờ hấp hối, bà thường cầu nguyện: "Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết vì con, con hết lòng theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con.”

Trước khi nhắm mắt lìa đời, bà Đê đã dâng lời cầu nguyện sau cùng: "Giêsu Maria Giuse! Con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa, xin ban ơn cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự".

Bà Anê Đê đã về nhà Cha trên trời trong tinh thần thánh thiện, sau ba tháng bị giam cầm và hy sinh vì đức tin (12/07/1841). Bà hưởng thọ 60 tuổi.

Theo tục lệ, người lính đốt ngón chân bà Đê để xác nhận bà đã chết. Sau đó, họ tẩm liệm thi hài bà vào quan tài do nhà chung đem tới và an táng bà tại pháp trường Năm Mẫu. Sáu tháng sau, giáo hữu cải táng bà về Phúc Nhạc.

Ngày 2 tháng 5 năm 1909, Giáo hoàng Piô X đã phong bà Anê Lê Thị Thành lên bậc Chân phước. Bà là một tấm gương mẫu mực cho các bà mẹ Công giáo Việt Nam. Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong bà lên bậc Hiển thánh.

Hỗ trợ phát triển website
Trang web này được tạo ra để cung cấp thông tin hữu ích và miễn phí cho cộng đồng. Để duy trì và phát triển, chúng tôi cần sự hỗ trợ từ các bạn.

Nếu thấy trang web có giá trị, bạn có thể đóng góp bất kỳ khoản nào, dù là 20k hay 50k, để giúp trang tiếp tục hoạt động. Sự đóng góp của bạn sẽ giúp chi trả cho chi phí vận hành, bảo trì và nâng cao nội dung. Mọi sự ủng hộ đều rất được trân trọng và sẽ giúp chúng tôi phát triển bền vững.

Chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của bạn!