Mục lục
Thánh Vinhsơn Phạm Hiếu Liêm sinh vào năm 1732 tại làng Trà Lũ, huyện Thiên Trường, tỉnh Sơn Nam (nay thuộc giáo xứ Phú Nhai, Giáo phận Bùi Chu). Thân phụ của ngài là ông Antôn Doãn, một nhân sĩ trọng vọng trong làng. Thân mẫu của ngài là một phụ nữ đức độ, chuyên tâm dạy dỗ con cái.
Năm 12 tuổi, cậu Liêm bắt đầu đi tu. Là người thông minh, đạo đức, cậu được chọn đi du học tại trường Đại học Letran ở Manila, Philippines. Năm 1754, thầy Liêm khấn trọng thể trong Dòng Đa Minh với pháp danh Vinh Sơn Hòa Bình. Sau khi được thụ phong linh mục năm 1758, cha Liêm về nước phục vụ và được bổ nhiệm dạy học tại Chủng viện Trung Linh.
Trong thời gian hoạt động truyền giáo, cha Liêm phụ trách các giáo xứ Quất Lâm, Lục Thủy, Trung Lễ, Trung Lao và toàn vùng Lai Ổn. Ngài được các giáo dân yêu mến vì luôn quan tâm chăm sóc đoàn chiên, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm. Mặc dù rất thành công trong công tác mục vụ nhưng cha vẫn luôn khiêm tốn, không tự mãn với bản thân.
Năm 1767, thời vua Lê Cảnh Hưng, chúa Trịnh Sâm ra lệnh xử tử một nhà sư phạm tội và cũng ra lệnh bắt giữ các giáo sĩ Thiên Chúa giáo để tránh bị cáo buộc thiên vị tôn giáo. Ngày 02 tháng 10 năm 1773, trong lúc cử hành bí tích tại xứ Lương Đống, cha Liêm bị bắt cùng hai phó tế Vũ và Bích rồi bị giam giữ và đưa lên chúa Trịnh Sâm ở Thăng Long xét xử.
Tại Thăng Long, một vị quan có họ hàng với chúa Trịnh Sâm đã tổ chức một cuộc tranh luận giữa bốn tôn giáo là Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo và Công giáo. Cuộc tranh luận kéo dài 3 ngày để bàn về nguồn gốc và mục đích của con người.
Sau đó, mẹ của chúa Trịnh Sâm cũng cho mời hai cha đến để nghe giảng về đạo. Bà hỏi những người không theo đạo sẽ ra sao sau khi chết, cha Liêm trả lời là "hầm lửa ngục tối". Bà nổi giận và bắt con là chúa Trịnh Sâm ra lệnh xử tử hai cha.
Ngày 07 tháng 11 năm 1773, cha Liêm và cha Castañeda bị xử trảm tại pháp trường Đồng Mơ, hưởng dương 41 tuổi. Thi hài của ngài được đưa về an táng tại Trung Linh.
Ngày 20/5/1906, cha Vinhsơn Phạm Hiếu Liêm được phong Chân phước và ngày 19/6/1988 được phong Hiển thánh.