Thánh Giuse Phạm Trọng Tả - Chánh tổng (1800 - 1859) - Các Thánh Tử Vì Đạo tại Việt Nam

Giuse Phạm Trọng Tả sinh năm 1800 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ngày 13/1/1859, tại pháp trường Bảy Mẫu ở Nam Định, ông bị hành quyết. Ông Giuse Phạm Trọng Tả được phong chân phước năm 1951 và phong thánh năm 1988.
Thánh Giuse Phạm Trọng Tả - Chánh tổng (1800 - 1859) - Các Thánh Tử Vì Đạo tại Việt Nam

Giuse PHẠM TRỌNG TẢ

Sinh năm 1800 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, Giuse Phạm Trọng Tả xuất thân trong một gia đình Công giáo đạo đức. Ông từng giữ chức chánh tổng nên thường được gọi là Cai Tả. Là người rộng rãi, ông thường giúp đỡ bà con làng xóm bằng cách giảm nợ hoặc cho vay không lãi. Khi bị bắt vì đạo năm 1858, ông đã 60 tuổi và là hội viên của Huynh đoàn Đa Minh.

Cùng với ông Án Khảm và ông Cai Thìn, ba ông được xem là ba vị thánh trong cùng một gia đình ở Quần Cống. Sau bốn tháng bị giam cầm, ông cùng các bạn đồng đạo bị kết án tử hình bằng hình thức xử giảo. Tin vui được loan báo, các vị hân hoan chuẩn bị tinh thần để đón nhận ân sủng tử đạo.

Ngày 13/1/1859, tại pháp trường Bảy Mẫu ở Nam Định, ông cùng hai người thân và 7 tín hữu khác bị hành quyết. Trên đường ra pháp trường và trước giờ hành hình, các vị cùng đọc kinh và reo danh Chúa Giêsu. Ông Giuse Phạm Trọng Tả được phong chân phước năm 1951 và phong thánh năm 1988.

Giuse PHẠM TRỌNG TẢ (1800-1859) - Luca PHẠM TRỌNG THÌN (1820-1859) - Chánh Tổng

Cuộc đời của hai ông Cai Tả và Cai Thìn, dù cách biệt nhau 20 tuổi, nhưng đã hòa quyện trong bối cảnh lịch sử thời tử đạo.

Năm 1858, tình hình bách đạo đang gia tăng, Đức Cha Sampecro Xuyên đã ủy thác cho hai ông làm sứ giả hòa bình. Hai ông đã đến gặp trực tiếp Tổng Đốc Nam Định, xin ông nương tay cho các tín hữu. Tuy nhiên, cuộc thương thuyết không thành công vì một người đã xúi dục một nhóm người nổi loạn chống lại các quan địa phương.

Hai ông bị bắt và bị xử tử vì không bước qua Thánh Giá.

Ba lần ra trước tòa, cả ba lần hai ông đều cương quyết không bước qua Thánh Giá, dù bị dọa nạt đánh đập. Cai Thìn đã viết bảng tuyên xưng Đức Tin rõ rệt và can đảm: "Tôi là một Kitô hữu, tôi sẳn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ."

Năm 1858, nhà vua treo giải thưởng cho những ai tố cáo nơi trú ẩn của các thừa sai Âu Châu. Quần Cống là nơi ẩn náu khá an toàn, vì các chức sắc trong làng là người Công Giáo, sẵn sàng đón tiếp các ngài.

Đức cha Sampedro Xuyên, đại diện tổng tòa giáo phận Trung, dự đoán có thể bị bắt bất ngờ, đã thủ phong giám mục phó cho Đức cha Valentino Vinh. Cả bốn vị đều ẩn tại làng Quần Cống, trọ tại nhà cụ An Khảm, Cai Tả và Nhiêu Côn.

Quan An sát Nam Định được mật báo, liền huy động quân lính đến vây bắt. Cụ An Khảm kịp biết tin, vội vàng tìm cách đưa các vị thừa sai trốn khỏi làng.

Sau khi các thừa sai đã đi xa, cụ An Khảm cho mỏ làng đi trước, đích thân cầm roi đi sau, bắt mõ làng rao lớn tiếng: "Người nào quá khóa phải phạt ba roi và bị đuổi ra khỏi làng." Rồi cụ tụ tập dân lại khích lệ họ.

Quan quân ùa vào làng, bắt toàn thể dân làng tập trung lại, và gọi cụ An Khảm ra trình diện. Quan yêu cầu cụ nộp các đạo trưởng Tây dương và bản quốc, cũng như bọn thầy giảng lẩn trốn trong làng.

Cụ An Khảm bình tĩnh trả lời: "Đúng, đạo chúng tôi có các đạo trưởng nhưng các ngài ở đâu làm sao chúng tôi biết được. Xin quan cứ tự do lục soát nếu tìm thấy vị nào trong làng thì quan muốn làm gì cũng được."

Quân lính lục soát khắp nhà, không tìm thấy một linh mục nào. Tuy vậy, quan vẫn ra lệnh bắt trói cả nhà cụ An Khảm.

Quan An sát cho đặt một Thánh Giá giữa sân, bắt mọi người lần lượt bước qua. Nhưng toàn thể dân làng kiên quyết không bước qua. Một bô lão định thi hành lệnh quan, nhưng bị cụ An cản lại.

Quan tức giận, bắt trói cụ An Khảm, Cai Tả, Cai Thìn và một số người khác, rồi giải về Nam Định.

Chúng tôi được nước Thiên Đàng

Sau khi về đến Nam Định, cụ An Khảm được gặp con trai là ông Cai Thìn trong những lần hai cha con ra hầu tòa. Sau này, hai người được giam chung một phòng. Hai cha con rất vui mừng và xúc động động viên nhau chịu đựng gian khổ vì đức tin Kitô giáo. Tất cả các tù nhân Công giáo ở làng Quần Cống cùng hứa với nhau quyết tâm trung thành với đức tin, cho dù phải hy sinh tính mạng. Riêng cụ An Khảm đã nhiều lần đại diện nhóm trả lời các câu hỏi của quan và tìm cách truyền bá giáo lý đạo Chúa.

Một hôm, sau khi bắt được Đức cha Xuyên, quan cho áp giải ba ông đến gặp Đức cha. Các ông kính cẩn chào hỏi và không giấu nổi niềm vui được gặp lại vị chủ chăn của mình. Thấy vậy, quan nghi ngờ và buộc tội các ông che giấu vị thừa sai này. Mặc dù thực sự Đức cha đã ở nhà cụ An Khảm, ông vẫn trả lời mơ hồ: "Là người Công giáo, chúng tôi tôn kính và yêu mến bất kỳ linh mục nào, cho dù chưa hề quen biết."

Sau 4 tháng rưỡi bị giam giữ, một hôm quan báo các ông bị kết án giảo hình. Ông Cai Thìn hỏi lại tội danh đã kết là gì, quan trả lời là tội chống đối nhà vua. Ông Thìn kiên quyết phản đối. Cuối cùng theo đề nghị của ông, bản án được bổ sung thêm 4 chữ "bất khẳng quá khóa", có nghĩa là tội không chịu bước qua thập tự giá. Các ông vui mừng vì được chết vì đạo Chúa Kitô. Trong những ngày còn lại, các ông sốt sắng chuẩn bị tinh thần đón nhận ân huệ tử đạo.

Ba vị chứng nhân đức tin đã cảm nghiệm sâu sắc lời Chúa phúc lành cho những người bị bách hại vì danh Ngài. Đối với các ông, bị bắt, chịu khổ nhục và bị giết vì Chúa Kitô là vinh dự và phúc lộc lớn lao. Các ông hớn hở đón chờ cơ hội ấy, đồng thời cũng động viên an ủi các tín hữu khác. Và khi hay tin giờ hành quyết đã đến, cụ An Khảm mừng rỡ nói với mọi người: "Hôm nay cha con chúng ta được về thiên đàng". Cả ba vị đã sẵn sàng rời bỏ trần thế để về hội ngộ cùng các vị Thánh Tử đạo, dang rộng vòng tay đón nhận phần thưởng mà Chúa đã hứa ban cho những người trung thành của Ngài.

Vào ngày 13/1/1859, ngoài ba vị An Khảm, Cai Tả và Cai Thìn, còn có 7 giáo dân làng Quần Cống khác cùng bị đưa ra pháp trường Bảy Mẫu để hành quyết. Trên đường đi, các vị cầu nguyện và đọc kinh liên tục. Đến nơi, các vị tiếp tục đọc kinh Tin, Cậy, Mến và kinh Ăn Năn Tội, cùng hô to danh Chúa Giêsu. Quân lính đẩy mạnh tay khiến các vị ngã ngửa xuống đất, rồi trói chân tay từng người vào những cọc đã được chôn sẵn. Mỗi người bị hai lính cầm hai đầu dây thòng qua cổ và kéo mạnh cho đến chết.

Các giáo dân Quần Cống đưa thi hài các vị về an táng long trọng tại quê nhà. Năm 1951, Giáo hoàng Piô XII tuyên phong ba vị An Khảm, Cai Tả và Cai Thìn lên hàng Chân phước. Đến ngày 19/6/2002, Đức Gioan Phaolô II đã tuyên phong các ngài lên bậc Hiển thánh.